Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2007

CHƯƠNG TRÌNH THÁNG 11 CỦA GIÁO PHẬN

Tháng 11
Cầu nguyện cho Các Đẳng Linh Hồn

01 / 11 / 2007
Đức Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long Tôma Nguyễn Văn Tân về quê nhà Bãi Xan, dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho ông bà cha mẹ vào lúc 16 giờ, tại Đất Thánh Bãi Xan.

02 / 11 / 2007
Vào lúc 14 giờ 30 phút, Đức Giám Mục dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho Các Đẳng Linh Hồn, tại Đất Thánh Tân Ngãi, khu Đất Thánh của họ đạo Vĩnh Long, cũng là Đất Thánh của Giáo Phận. Nhiều Linh Mục và Tu Sĩ được an nghỉ tại đây.

06 / 11 / 2007
Lễ khánh thành nhà thờ Thới Lộc, thuộc huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre, vào lúc 9giờ do Đức Giám Mục Giáo Phận chủ sự.

08 / 11 / 2007
Lễ khởi công xây dựng nhà thờ An Bình, tọa lạc cù lao An Bình, xã An Bình huyện Long Hồ, tĩnh Vĩnh Long.

12 đến 17 tháng 11 năm 2007.
Tuần bồi dưỡng cho các dì khấn tạm thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum.
Cũng trong tuần nầy là tuần bồi dưỡng cuối năm cho các dì trưởng, thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn.

23 & 24 tháng 11 năm 2007.
Lễ mừng Kính Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Hành Hương kính thánh Philipphê Phan Văn Minh và thánh Giuse Trùm Lựu tại Trung Tâm Hành Hương Đình Khao Vĩnh Long.
Hôm nay cũng là ngày Đại Hội Quới Chức Giáo Phận Vĩnh Vĩnh Long, được tổ chức tại Trung Tâm Hành Hương Đình Khao Vĩnh Long.

26 đến 30 tháng 11 năm 2007.
Những ngày tĩnh tâm thường niên các linh mục Giáo Phận Vĩnh Long.

MỘT CUỘC CHUYỂN ĐỔI

LỄ AN TÁNG CHA PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN PHÚ THÀNH.

Cuộc sống nầy chỉ thay đổi chứ không mất đi.

Thật thế trong những ngày vừa qua, các linh mục Giáo Phận Vĩnh Long, đã được cảm nhận lại một lần nữa về điều nầy.

Nhiều linh mục đã được thay đổi nơi phục vụ, các Ngài từ bỏ nơi mình đã đến bằng tất cả sự nhiệt tình, tạo dựng nên cơ sở thật vững chắc về vật chất cũng như về con người. Thế mà giờ đây lại phải từ bỏ để ra đi đến một nơi không biết như thế nào. Các Ngài không biết về cơ sở vật chất nơi sắp đến có được tiện nghi hay không, có còn vững chắc hay không; các ngài càng không biết về tình hình con người, vì các Ngài sẽ đến và sống với những người hoàn toàn xa lạ, có khi chưa từng gặp mặt bao giờ. Vậy mà các ngài phải từ bỏ những người mình đã từng quen biết, đã từng chăm sóc thương yêu dạy dỗ, đã từng gắn bó với mình trong nhiều năm, đến đỗi trở thành thân thiết còn hơn cả trong gia đình. Các ngài ra đi để lại biết bao nhiêu niềm thương và nỗi nhớ. Về vật chất, mọi việc đã ổn định, vậy mà giờ đây lại bị xáo trộn, từ bỏ tất cả, dường như mất tất cả.

Nhưng đó chỉ là cái nhìn của người đời; còn các linh mục vẫn ra đi mang theo những buồn vui lẫn lộn, để tiếp tục hoàn thành sứ mạng của mình trong môi trường mới.

Một cuộc chuyển đổi thật đẹp. Người đến trước lo xây dựng thật vững chắc về vật chất và càng vững chắc hơn về tình người và lòng đạo đức của tín hữu. Người đến trước, giờ đây phải ra đi, nhưng trước khi ra đi, đã lo chuẩn bị thật chu đáo để cho người đến sau không phải ngỡ ngàng, hay vất vả về điều gì. Mọi sự được diễn ra thật tốt đẹp. Cách chung sự việc đều diễn ra như thế, chỉ có những nơi mà những người vì lực bất tòng tâm, nên phải để lại cho người đến sau một chút khó nhọc, nhưng không sao; mọi việc rồi cũng tốt đẹp tất cả. Mình biết để lại những điều tốt đẹp thì cũng sẽ nhận được những điều tốt đẹp như thế và còn hơn thế nữa.

Cha Phanxicô Nguyễn Phú Thành cũng thực hiện một cuộc chuyển đổi, nhưng không phải từ họ đạo nầy đến họ đạo khác, mà từ sự sống trần gian đến sự sống thiên đàng; từ sự sống tạm bợ, đến sự sống vĩnh cửu. Ngài đã được thông báo sự việc chuyển đổi từ hơn một năm trước, khi cơn bệnh tới thời kỳ nguy hiểm. Với biết bao cố gắng của con người, làm sao để Cha Phanxicô đừng đến ngày chuyển đổi, nhưng không được. Sự việc đã được quyết định và Ngài chỉ biết cúi đầu với hai tiếng xin vâng. Ngài ra đi để lại bao niềm thương và nỗi nhớ cho nhiều người. Ngài ra đi vẫn còn để lại những công trình và những thành quả về tinh thần lẫn vật chất. Trong thánh lễ an táng Đức Giáo Mục Giáo Phận Vĩnh Long Tôma Nguyễn Văn Tân đã nói:
con người của Cha Phanxicô có duyên với chữ nghèo; sinh ra trong một gia đình đạo đức, nhưng hoàn cảnh vật chất không được ưu đãi nên nghèo; bước vào chủng viện với đời sống đơn sơ giản dị, đến năm đi giúp xứ, lại đến với một họ đạo nghèo ở vùng biển Bến Tre: họ đạo Gãnh. Sau năm 1975 vì hoàn cảnh và thời cuộc nên Ngài vẫn sống trong một họ đạo nghèo. Sau khi chịu chức linh mục, được đưa đến họ đạo Trà Ôn trong đó có những họ nhỏ thật nghèo, Ngài đã lãnh trách nhiệm chăm sóc cho một trong những họ đạo đó là Họ Tân Mỹ. Ngài rời họ đạo nhưng không xa, những ưu tư lo lắng, lời cầu nguyện luôn gần với những gì mà trách nhiệm Ngài đã lãnh nhận.

Đến lúc không còn tự di chuyển được nữa, họ đạo Tân Mỹ được trao cho linh mục khác chăm sóc, thì mọi người không cần phải dọn đồ cho Ngài, vì có duyên với chữ nghèo, nên Ngài không có gì riêng cho bản thân mình, chỉ những đồ dùng cá nhân thật cần thiết.

Ngài đã thực hiện một cuộc chuyển đổi thật nhẹ nhàng vào lúc 16 giờ 30 ngày 29 tháng 10 năm 2007. Cuộc ra đi đã được chuẩn bị thật chu đáo, không một chút bất ngờ, cuộc ra đi thật nhẹ nhàng không vướng bận điều gì hết. Ngài thật xứng đáng lãnh nhận chữ phúc mà Chúa Giêsu đã nói: Phúc cho những ai nghèo khó… Thật thế, cái phúc của Ngài không chỉ thiêng liêng mà thôi, nhưng ngay trước mắt những người trần thế, đã nhìn thấy được cái phúc đó. Những ngày trên giường bệnh, mặc dù thể xác bị hành hạ bởi những cơn đau do bệnh tật mang đến, nhưng Ngài thật hạnh phúc vì được nhiều người quan tâm, an ủi cả tinh thần lẫn vật chất. Trong thánh lễ an táng, Đức Giám Mục Giáo Phận chủ sự cùng với hơn 100 linh mục trong giáo phận cùng đồng tế để cầu nguyện cho Cha Phanxicô. Những người thương mến cha từ rất nhiều nơi đã đến hiệp dâng trong thánh lễ cầu nguyện cho cha. Rất nhiều người không ngờ sự việc lại như thế; với một linh mục có đời sống dường như ít ai biết đến, mà giờ đây mọi người đều biết. Mọi người càng ngạc nhiên hơn, vì với những người quen biết như thế, nếu Ngài muốn có một đời sống tiện nghi hơn thì đâu có gì là khó khăn, thế mà cái duyên với chữ nghèo vẫn trung thành ở bên cạnh Ngài.

Cha Phanxicô Nguyễn Phú Thành chuyển nơi ở từ trần gian đến Thiên Quốc, Ngài ra đi thật nhẹ nhàng không vướng bận, Ngài để lại cho mọi người niềm thương nhớ, nhưng bên cạnh đó là một sự an lòng mãn nguyện.

Các Linh Mục Giáo Phận Vĩnh Long cũng chuyển đổi từ nơi này đến nơi khác, với bản tính con người, cũng có đôi chút không vui, nhưng với trách nhiệm được trao phó cùng với hai tiếng Xin Vâng mà các Ngài đã tự nguyện với tất cả ý thức và tự do, nên cuộc ra đi đã trở thành niềm vui cho bản thân và nhiều người.

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2007

CÓ LINH HỒN BẤT TỬ KHÔNG?
CÓ SỰ SỐNG ĐỜI SAU KHÔNG?
“Người ta ở đời này mới cưới vợ lấy chồng,
những ai đáng hưởng phúc đời sau, thì không cưới vợ,
cũng không lấy chồng nữa”
(Lc 20, 34-35)
Anh chị em thân mến,
Trong quyển truyện Ngụ ngôn của nhà văn Pháp La Fontaine, có kể câu chuyện Thần chết và Lão tiều phu. Câu chuyện kể rằng: bác tiều phu, buổi chiều tối, trên đường đi đốn củi về, bác vừa đi vừa than van trách phận: tại sao cuộc đời quá vất vả, chẳng lấy ngày nào là sung sướng…Trong cơn bực tức bác rủa trời, rủa đất, bác còn van nài thần chết đến đem bác đi cho rãnh…Nhưng bất thần, thần chết hiện đến thật, tay cầm lưỡi hái sáng choang… gọi bác đi ngay… Bác tiều phu lúc này sực tỉnh cơn mê…sợ hải tột cùng, bác thay đổi thái độ lập tức. Thay vì cầu thần chết đem mình đi, bây giờ chính bác lại van nài thần chết cho bác được tiếp tục sống. Bác quì mọp dưới đất lạy thần chết, lạy như tế sao… Câu chuyện ngụ ý: sống trên đời này dù vất vả cở nào, ai cũng muốn và cũng ham sống….Bài Tin Mừng hôm nay, nhân vì phái Sađốc không tin có đời sau, không tin linh hồn bất tử, không tin cuộc sống đời sau….nên có cuộc tranh luận giữa họ và Chúa Giêsu. Xin mời chúng ta suy niệm.
a/. Phái Sađốc là nhóm tư tế cao cấp trong đạo Do Thái. Họ có quyền cả về sinh hoạt tôn giáo và chính trị Do Thái từ trước thời Đức Kitô. Họ chấp nhận Ngũ kinh, coi Môisen là tiên tri vĩ đại. Nhưng họ không tin linh hồn bất tử và không tin có sự sống lại. Chính vì những điều này mà họ kình địch với nhóm Pharisêu. Họ căng thẳng với quân Rôma nên dẫn đến Rôma phá hủy đền thờ Giêrusalem năm 70. Phái này vì không tin có sự sống lại, linh hồn bất tử, nên nhóm biệt phái kỳ thị họ. Còn các luật sĩ, ký lục: là nhóm thông thạo luật pháp Do Thái và thân thiết với Biệt Phái, nhóm này cũng chống lại phái sađốc.
Nhóm Sađốc bày ra câu chuyện trên để hỏi Chúa Giêsu, vừa để đả kích hai phái Pharisêu và kinh sư nữa. Câu chuyện họ bày ra để hỏi Chúa Giêsu thoạt nhìn thật có lý: bảy anh em trai, cùng cuới một cô gái, đều không con, và đều chết hết, vậy khi sống lại, ai là vợ của bảy người anh em này? Vậy mà khi nghe Chúa Giêsu trả, họ hoàn toàn thán phục Chúa…
b/. Trước những cái chết bất ngờ, nhất là của những người trẻ, làm sao người ta không băn khoăn tự hỏi: có sự sống đời sau không? Đời sống đó sẽ ra thế nào? Niềm tin của nhiều tôn giáo, ngay cả của những dân tộc thiểu số vẫn tin có cuộc sống của những người chết, do đó người ta đốt tiền giả, cúng tế, chia của cho người chết dù niềm tin đó không chắc chắn lắm. Hội Thánh Công Giáo tin có đời sau, có thưởng phạt, thiên đàng hỏa ngục và điều đó đã trở thành một điều buộc người Kitô hữu phải tin. Chính bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu xác định rõ Ngài là Đấng Cứu Thế, của kẻ sống cũng như kẻ chết. Giáo huấn của Chúa Giêsu về cuộc sống hiện tại hay mai sau rất rõ ràng:
- Cuộc sống trần gian mới có dựng vợ gả chồng, cuộc sống mai sau là vĩnh cửu, không còn chết nữa nên cũng không cần lấy vợ lấy chồng nữa. Lúc đó, họ sánh ngang với thiên thần, vì họ là con cái Thiên Chúa, và đây là những người được sống cuộc sống mới hoàn toàn biến đổi thiêng liêng, không thuộc trần gian bất hoại bất tử. Nếu chúng ta hiểu, không thuộc trần gian bất hoại bất tử nữa, thì cần gì phải có vợ có chồng?
c/. Gợi ý sống và chia sẻ: Tin vào Thiên Chúa tức là tin vào cuộc sống hạnh phúc muôn đời, vì thế nếu khi ta quá gắn chặt vào đời sống vật chất này, thì làm sao ta không thể đồng thời bước vào cuộc sống vĩnh cửu cùng Thiên Chúa.
Bao lâu nay ta có tin vào Thiên Chúa, vào sự sống mai sau không? Ta đã sống thế nào để thể hiện lòng tin đó?

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2007


SỐNG
Chúa Nhật 32C Thường Niên.
Càng bị đe dọa, sự sống càng vùng dậy mãnh liệt. Cái chết là một đe dọa lớn nhất và ghê sợ nhất. Muốn vươn đạt tới sự sống vĩnh hằng, con người phải có một sức mạnh hơn tử thần. Hôm nay, Đức Giêsu dẫn ta tới một cuộc sống trên cõi thiên thần.

HAI CUỘC SỐNG.
Cuộc sống rất tương đối. Sự sống thật hữu hạn. Thế nhưng niềm tin mở ra một chân trời mới. Thế giới đang tiến về một đỉnh cao dành cho “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết” (Lc 20:35) Sống trong thế giới đó, con người không còn bị lệ thuộc vào những điều kiện vật chất hữu hạn nữa. Tất cả đều “là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” (Lc 20:36) Một cuộc lột xác hoàn toàn sẽ đem lại cho nhân loại một sự sống mới chưa từng thấy.
Sự sống bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Bởi vậy, sự sống không thể thua sự chết, không thể bị tắc nghẽn vì những giới hạn tử thần. “Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi ? Tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (1 Cr 15:56-57) Nếu không có Đức Giêsu, chắc chắn tất cả nhân loại sẽ bị tử thần khuất phục. Đó là điều sỉ nhục đối với Thiên Chúa. Nhưng Đức Giêsu đã phục sinh để chứng minh Thiên Chúa “không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc 20:38) nhờ máu Đức Giêsu đổ ra trên thập giá. Chính niềm xác tín vào sự sống như thế đã cho ta có quyền hi vọng vào chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa, Đấng “đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp.” (2 Tx 2:16)
Nếu chỉ nhìn theo nhãn quan trần thế, không thể nào có được niềm an ủi và cậy trông đó. Nhóm Xađốc đã dựa trên hiện tại để củng cố “chủ trương không có sự sống lại.” (Lc 20:27) Họ hoàn toàn căn cứ vào tương quan hôn nhân để phi bác cả một thế giới thiêng liêng, nơi con người “không thể chết nữa, vì được ngang hàng với thiên thần.” (Lc 20:35) Chỉ trong cuộc sinh tồn đắp đổi này, con người mới cần đến hôn nhân để duy trì cuộc sống. Còn trong cõi vĩnh hằng, tại sao cần phải duy trì sự sống bằng những phương tiện của thế giới vật chất nữa ? Hai thế giới khác nhau không thể dựa trên cùng một nền tảng. Lập luận của nhóm Xađốc hoàn toàn nằm ngoài qui luật thiên giới. Họ không thể vượt ra ngoài cõi tục để thấy được cuộc sống của con cái Thiên Chúa, vì họ không phải là con cái sự sống lại. Cuộc sống đó thật là mầu nhiệm và siêu việt, nhưng lại rất thực tiễn vì đáp ứng được niềm ước vọng bất tử của nhân loại và vào chính sự phục sinh của Đức Giêsu. Thật vậy, “nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô đã không chỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em.” (1 Cr 15:13.16) Nếu niềm tin chúng ta hoàn toàn hão huyền, làm sao Kitô giáo lại có thể đem lại cho nhân loại một nền văn minh tốt đẹp như vậy ? Thực tế, nhân loại đã được giải thoát khỏi xích xiềng tội lỗi nhờ cuộc phục sinh của Đức Giêsu. Bởi thế, không thể không có sự sống lại. Đó là niềm tin căn bản nhất và vững chắc nhất, chi phối toàn thể cuộc sống Kitô hữu.
Niềm tin đó đã bắt nguồn rất sâu xa trong Kinh thánh. Quả thế, “hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ” (2 Mcb 7:1) dưới thời vua Antiôkhô. Họ đã có tất cả sức mạnh chiến thắng tử thần nhờ “dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hi vọng sẽ được Người cho sống lại.” (2 Mcb 7:14) Bao nhiêu cực hình đã không chiến thắng nổi niềm tin vững chắc và đầy quả cảm đó. Nếu “luật pháp của cha ông” (2 Mcb 7:8) đã khiến cho họ có sức mạnh lớn lao đến thế, thì “Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.” (Rm 8:11) Thế nên, niềm tin vào sự sống lại được chính Ba Ngôi bảo đảm. Niềm tin đó đang trổ sinh những mùa màng tươi tốt trên toàn thế giới.
Như vậy Đức Giêsu đã dùng một lập luận vững chắc để phi bác niềm tin của phai Xađốc. Lập luận đó căn cứ trên thực tế cuộc sống thiên thần và qui chiếu vào Kinh thánh. Chính thực tại lớn lao là “Thiên Chúa của kẻ sống” đã đủ mạnh để áp đảo tất cả những lập luận bênh vực cho sự chết. Đối với Thiên Chúa, không có vấn đề chết. Vì tất cả đã được Đức Kitô trả lại sự sống mới bắt nguồn từ Thiên Chúa.

MỞ RỘNG TẦM NHÌN.
Không có sự sống mới đó, cuộc sống hiện tại sẽ trở thành nhàm chán và vô nghĩa. Nói khác sự sống lại không phải là sự nối tiếp cuộc sống hiện tại. Bởi vậy vấn đề các người Xađốc đặt ra hoàn toàn “trật dơ”. Sự sống lại khác tự bản chất, vì con người sẽ “ngang hàng với các thiên thần.” (Lc 20:36) Không có niềm hi vọng sống lại, không thể đủ nghị lực và phấn khởi vượt qua những thách đố phi lý của cuộc sống hiện tại. Trái lại, sự sống lại là động cơ thúc đẩy con người vươn tới những mục tiêu siêu việt.
Không mở rộng tầm nhìn, không thể thấy được tất cả ý nghĩa sự sống lại đem lại cho sự sống hôm nay. Sự sống hôm nay đang dẫn tới cái chết. Đó là một sự phi lý hoàn toàn. Nhưng sự sống lại giúp con người hiểu được tại sao mình sống và đang đi về đâu. Sự sống lại sẽ dẫn con người tới một sự thật : Thiên Chúa là “Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN
Lc 20, 27- 38

Anh chị em thân mến.
Chúng ta có dịp nhìn những đứa trẻ, chúng tổ chức những trò chơi, dường như một xã hội đang hiện hữu dưới cái nhìn của chúng. Thí dụ như chúng chơi trò làm vua. Chúng có tổ chức của một triều đình, có những quan án xét xử thưởng phạt cũng rất nghiêm minh.
Những quân lính biết tuân phục cấp trên cách hết sức hoàn hảo, nếu cần phải chết, chúng sẳn sàng chết. Những kẻ có lỗi cần chịu những hình phạt, chúng vui lòng nhận lãnh. Một xã hội có nề nếp, được tổ chức hết sức chu đáo. Nhưng nó chỉ tồn tại trong phút chốc nào đó. Khi lủ trẻ trở về với đời sống thật của chúng, thì những gì chúng đã thực hiện, giờ đây không còn cần thiết nữa, vì giờ đây chúng có một cuộc sống hoàn toàn khác với những gì là của chúng. Giờ đây chúng có một cuộc sống mà chúng không còn phải lo lắng gì nữa, vì đã có cha mẹ và những người có trách nhiệm lo lắng cho chúng, chúng cứ yên tâm tuân theo và tận hưởng.
Nếu trong cuộc sống đời thường đó có đứa trẻ nào vẫn còn ảnh hưởng cuộc chơi, cứ đòi làm vua hay làm việc gì trong cuộc chơi mà nó đã thưc hiện, thì chắc nó sẽ được nhắc nhở để quay về cuộc sống thật chứ không phải cuộc chơi.
Chúa Giêsu nói với những người thuộc phái Saducêô khi họ đến chất vấn Ngài về sự sống lại. Họ dùng những hình ảnh của cuộc sống đời này để chất vấn Chúa Giêsu về đời sau, nên Ngài nói: Các ông thật sai lầm, khi sống lại con người sống như ThiênThần, không có cưới vợ lấy chồng. Sự sống đời sau là sự sống Thiên Chúa ban cho con người, chứ không phải con người tự tạo nên được. Con người chỉ có thể vào đó để tận hưởng khi có đủ điều kiện.
Còn những người đến hỏi Chúa Giêsu, họ ngoan cố trong ý nghĩ của mình, không chấp nhận ý kiến của người khác, chỉ có chính họ mới tốt, mới đúng, còn của người khác thì không có gì là hay, nên không cần phải nghe theo. Chính vì thế, họ tự mãn trong cuộc sống đời này, tự mãn trong cái mà họ sẽ phải bỏ nó trong một ngày không xa, nhưng họ vẫn tiếc nuối nên muốn lôi kéo những gì họ có được theo họ suốt cuộc đời. Nhưng Chúa Giêsu nhắc nhở: Các ông thật sai lầm, sự sống lại không phải như cuộc sống hiện tại nầy.
Cách suy nghĩ của những người Saducêô ngày xưa vẫn còn âm vang còn tồn tại cách mãnh liệt cho ngày hôm nay, nơi mỗi người chúng ta. Mỗi người cũng có cái để tự hào, để khẳng định mình. Nhưng khẳng định mình không phải là ngoan cố trong ý kiến của mình, ngoan cố trong cách suy nghĩ của mình. Khẳng định mình không cần phải làm những điều lạ lùng, nhưng hãy làm những gì là chính đáng và cần thiết, khi đó chúng ta không cần khẳng định, nhưng chính Thiên sẽ đưa chúng ta lên đúng vị trí mà Ngài muốn.
Nếu chúng ta cứ ngoan cố trong cách suy nghĩ, trong việc làm của mình, thì chúng ta không phải giống như những đứa trẻ chơi trò trẻ con. Nhưng những đứa trẻ đã chơi và đã nghỉ, còn chúng ta cứ bám vào cuộc chơi, trò chơi của cuộc đời mà chúng ta cứ ngở là thật. Như vậy khi trò chơi kết thúc, chúng ta sẽ là gì? Khi cuộc sống này qua đi, chúng ta sẽ còn lại điều gì? Có khi nào chúng ta suy nghĩ và đặt vấn đề thật nghiêm túc cho cuộc sống, để chúng biết chuẩn bị cho cuộc sống mai sau thật tốt.
Hiện tại chúng ta có thể làm được, đó là biết lắng nghe Thiên Chúa dạy bảo trong từng giây từng phút của cuộc đời, trong từng biến cố của cuộc sống. Những hồng ân Thiên Chúa ban trong hoàn cảnh sống. Nếu chúng ta nhìn thấy và nhận ra Chúa thì hạnh phúc cho chúng ta biết bao, vì khi đó mỗi người biết tận dụng hồng ân của Chúa mà chuẩn bị cho cuộc sống mai sau.
Nếu chúng ta tin có sự sống đời sau mà không lo chuẩn bị, chỉ biết lo những gì là hiện tại, chỉ biết tìm những lợi lộc, những thú vui, chỉ biết thoả mản những ước muốn của mnh mà không nghĩ đến hậu quả mai sau mình sẽ như thế nào, khi đó, chúng ta có khác gì những người thuộc nhóm Saducêô ngày xưa. Khi đó Chúa Giêsu sẽ nói gì, chắc Ngài cũng sẽ lập lại những lời khi xưa: Các ngươi thật sai lầm. Nếu như thế thì vô phúc cho chúng ta quá.
Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa ban ơn thêm sức mạnh cho mỗi người biết lắng nghe lời Chúa, biết dùng những gì Thiên Chúa ban trong hiện tại mà biết chuẩn bị cho sự sống mai sau theo thánh ý Chúa.
Thứ Bảy 10/11/07 Th. Lêô Cả
LỖ HỔNG LƯƠNG TÂM
“Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.” (Lc 16,9-15)
Suy niệm: Nguyên nhân của những vụ sụp đổ nhà cửa, cầu cống, hay các công trình không chỉ vì khả năng giới hạn của các kỹ sư, đội ngũ thi công. Trái lại, nguyên nhân sâu xa là do thiếu đạo đức, do những “lỗ hổng lương tâm.” Nếu “lỗ nhỏ làm đắm thuyền,” thì “lỗ hổng lương tâm” còn gây nên những hậu quả khôn lường: không chỉ là vài cây cầu, dăm ba công trình với một số nhân mạng, mà còn cả một truyền thống giá trị của dân tộc. Đối với Chúa Giêsu, lương tâm là tiêu chuẩn trước hết để thẩm định một con người. Nếu một người trong việc nhỏ, đã gian dối, bất trung, thì thật khó tin nổi người ấy sẽ ngay thật trong việc lớn hơn; nếu trong việc nhỏ, họ trung tín, ngay thẳng, ấy là dấu chỉ họ có thể trung thực trong việc lớn hơn. Hơn thế nữa, họ đáng được tin tưởng khi họ làm việc như đang ở trước mặt Thiên Chúa.
Mời Bạn: Ai cũng có một số công việc bổn phận, một số trách nhiệm. Có những việc cá nhân, có những việc liên quan đến người khác. Nếu bạn thiếu lương tâm, hậu quả gì sẽ xảy ra?
Chia sẻ: Trước những sự cố như vụ sập cầu Cần Thơ, bạn nghĩ gì về lương tâm công giáo trong nghề nghiệp của bạn?
Sống Lời Chúa: Xét lại việc bổn phận hôm nay, kiểm điểm những sai sót, xin Chúa thứ tha và quyết tâm sửa đổi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương thứ tha những lầm lỗi của các linh hồn trong luyện ngục và những lỗi lầm của con trong việc bổn phận. Xin cho con biết thi hành bổn phận con với tinh thần trách nhiệm để làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.
Thứ Sáu 09/11/07
Cung hiến đền thờ Latêranô
NHỚ LẠI LỜI CHÚA
Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: ‘Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân’… Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói. (Ga 2,13-22)
Suy niệm: Kinh nghiệm thường nhật cho thấy chúng ta rất hay liên tưởng: việc này nhắc ta nhớ tới việc nọ, người này làm ta nhớ đến người kia, v.v… Khi chúng ta đặc biệt quan tâm đến điều gì, hoặc say mê, có ấn tượng về ai đó, thì bất cứ điều gì cũng có thể gợi cho chúng ta nhớ đến họ. Tin Mừng Gio-an hôm nay nói các môn đệ đã hai lần nhớ lại: các ngài nhớ lại lời Thánh Kinh và lời Đức Giê-su. Cả hai điều đó chung qui cũng chỉ là một: Thánh Kinh là Lời của Thiên Chúa mà Đức Giê-su chính là Ngôi Lời Nhập Thể. Vì thế, say mê Thánh Kinh cũng là say mê Đức Kitô; nhớ đến Lời Ngài chính là đặt Ngài tại trung tâm điểm của đời sống chúng ta.
Mời Bạn: Để kiểm tra bạn đã say mê Lời Chúa thế nào, mời bạn xét mình: Những việc xảy ra trong cuộc sống thường nhật có làm bạn nhớ đến Lời Chúa để rồi nỗ lực sống theo đó không?
Chia sẻ: Bạn có chọn câu Lời Chúa nào làm châm ngôn cho cuộc sống của bạn không? Hãy chia sẻ về câu Lời Chúa đó.
Sống Lời Chúa: Lặp lại nhiều lần: “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao? Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?” (1Cor 6,15.19)
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn nhớ đến Lời Ngài trong cuộc sống, để con biết sống tốt hơn, tin mạnh hơn và yêu mến nhiều hơn hầu xứng đáng là con cái của Chúa hơn. Amen.

SUY NIỆM MỖI NGÀY

Thứ Năm 08/11/07
MỤC TỬ NHƯ LÒNG CHÚA
“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?” (Lc 15,1-10)
Suy niệm: Theo Thánh Kinh, mục tử vừa là thủ lãnh, vừa là người bạn đồng hành với đàn chiên. Mục tử vừa là người hùng mạnh có sức gìn giữ đàn chiên, vừa là người biết chăm sóc đàn chiên, biết bồng ẵm chúng trên tay, biết đem chiên đến đồng cỏ non, đến chỗ nghỉ ngơi, nhất là biết băng bó cho chiên bị thương tích. Nhiệm vụ của mục tử là qui tụ đàn chiên chứ không loại trừ, vì thế, dù chỉ một con chiên lạc người mục tử cũng phải đi tìm cho kỳ được. Hội Thánh được mạc khải và nhận ra Chúa Giêsu chính là mục tử mẫu mực, mục tử như lòng Chúa Cha mong ước. Ngài chăm lo qui tụ mọi hạng người, vượt ra khỏi quan niệm hẹp hòi về “đàn chiên” của người đương thời. Nhà của những người bị loại trừ, bị xa lánh, lại là địa chỉ Ngài thường hay lui tới để đưa họ về trong đàn chiên của Thiên Chúa. Nhiệm vụ này đòi hỏi mục tử Giêsu phải hy sinh nhiều, cả mạng sống.
Mời Bạn: Mọi Kitô hữu đều là những mục tử: mục tử cha, mục tử mẹ, mục tử anh, mục tử chị, mục tử linh mục, mục tử giáo dân. Vai trò này chúng mình nhận được từ Chúa Giêsu và tiếp nối Ngài để sống hôm nay. Chỉ một tên gọi “mục tử” này có gợi lên trong chúng mình nhiều việc phải làm hay không?
Sống Lời Chúa: Nhìn lại “đàn chiên” Chúa giao cho bạn và kiểm điểm vai trò mục tử của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là mục tử nhân lành, những lỗi lầm của con trong vai trò mục tử đã làm đàn chiên Chúa tan tác, bị bỏ bê. Xin giúp con biết yêu thương và tận tụy phục vụ họ nhiều hơn.

Nhật ký

Hôm nay tôi rất vui vì đã hoàn thành blog mới.