Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ HỌ ĐẠO TÂN THÀNH

NHÀ THỜ TÂN THÀNH CHUẨN BỊ CHO LỄ TẠ ƠN 100 NĂM


HỌ ĐẠO TÂN THÀNH hiện nay về mặt hành chánh thuộc Xã Tân Hoà, Huyện Tiểu Cần, Tỉnh Trà Vinh. Họ đạo bao gồm hai ấp Tân Thành Đông và Tân Thành Tây của Xã Tân Hoà. Phía bắc giáp Họ Đạo Mặc Bắc, Thị Trấn Cầu Quan, phía nam và phía tây bao bọc bởi con Sông Hậu, phía đông giáp Xã Hùng Hoà, Huyện Tiểu Cần. Họ đạo hiện nay có một Nhà Thờ được xây dựng từ năm 1905 và khánh thành 1912 cùng với hai Nhà Nguyện : Một ở cuối Ấp Tân Thành Tây gần với sông cái (Hậu Giang). Một ở cuối Ấp Tân Thành Đông (chưa được công nhận). Số giáo dân hiện nay có tổng số là 2882 người. Có 02 linh mục và 05 nữ tu phục vụ họ đạo.




THỜI ĐIỂM CHÍNH THỨC THÀNH LẬP HỌ ĐẠO.



Tân Thành có nghĩa là mới được thành lập. HỌ ĐẠO TÂN THÀNH như vậy có nghĩa đơn giản là một họ đạo mới được thành lập. Có lẽ trước năm 1890 khi chưa chính thức thành lập họ đạo, nơi này đã có một số gia đình công giáo từ tứ phương về đây khai phá đất đai để sinh sống và lập nghiệp. Hồi ấy, theo ông bà kể lại thì nơi đây còn hoang vu: là một khu đầt rừng bãi bồi ngập nước đầy lao sậy, bần, vẹt, đước, nhiều nhất là cây bần và cây gừa; là nơi ẩn trú của nhiều loài thú hoang dã như cọp, voi, khỉ, trăn và nhiều chim cò từ các nơi đổ về sinh sống theo mùa. Chuyện kể ngày xưa khi ông bà đi lại trên sông, lúc chỉ nhỏ như con rạch, hai bên là bần mọc um tùm chi chít, ngọn bần giáp nhau nên bầy khỉ cứ tha hồ chuyền qua chuyền lại thoải mái, thời gian thay đổi, sông ngày càng rộng ra như ta thấy ngày nay.


Thưở đầu tiên là một hai gia đình từ miền đông nam bộ, bấy giờ xuôi thuyền về đây buôn bán rồi ở lại lập nghiệp. Hiện nay còn có một số gia đình còn bà con dòng họ lâu đời ở HỌ ĐẠO BÚN, Tỉnh BÌNH DƯƠNG, GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG ngày nay.


Tiếp đó còn có gia đình anh em họ LÊ là LÊ VĂN THẢO và LÊ VĂN LONG ở xứ CÙ LAO GIÊNG chạy giặc lánh nạn về đây lập nghiệp. Bây giờ con cháu hai ông còn ở đây rất đông.


Tuy nhiên, trong thời điểm đó chỉ còn vỏn vẹn có bảy gia đình Công Giáo ở dọc theo hữu ngạn sông CẦN CHÔNG, chạy dài bảy tám cây số. Ông bà ra sức phá rừng làm nương rẫy săn bắt thú rừng để sinh sống. Đời sống tuy cơ cực vất vã bần hàn nhưng thật êm đềm hạnh phúc.


Vì có một số gia đình công giáo sinh sống ở đây, nên tuy dù là nơi khỉ ho cò gáy nhưng cũng được các vị truyền giáo lúc bấy giờ đặc biệt quan tâm chăm nom săn sóc. Lúc ấy các vị thừa sai đã từ HỌ ĐẠO MẶC BẮC, được thành lập từ trước đã thường xuyên lui tới chăm sóc phần thiêng liêng cho các gia đình nầy. Có công nhiều nhất phải kể là CHA KIỂM, CHA FRACOIS DU MARCP (Tên Việt Nam là Cha Trí) làm phó cho CHA FELIX FRISON (thường gọi là CHA SỞ HOÀNG). Các Cha sang đây chẳng những giúp đỡ phần hồn mà sau nầy còn giúp cha già FRANCOIS NHÂN lo xây dựng nhà thờ đầu tiên cho HỌ ĐẠO TÂN THÀNH nữa.


Trước khi có ngôi nhà thờ khang trang thì ông bà dù ít người ít của nhưng cũng cố gắng cất một nhà thờ nho nhỏ bằng tre lá đủ chỗ cho bà con tụ họp nhau hằng tuần dể lo việc kinh sách mà thờ phượng THIÊN CHÚA dưới sự hướng dẫn của ông THẢO mà bà con quen gọi ông là ông trùm THẢO. Có thể coi đây là ông trùm đầu tiên của họ đạo.


CÁC CHA SỞ PHỤ TRÁCH HỌ ĐẠO




1. CHA FRANCOIS TRẦN PHÚC NHÂN : TỪ NĂM 1890 - 1928



Theo sổ sách còn giữ lại được, thì có thể đến năm 1890 một linh mục đáng kính từ giáo phận đàng ngoài, sau khi mãn hạn tù vì bị kết tội tham gia phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp đã lui về đây ẩn dật và phục vụ họ đạo. Đó là CHA FRANCOIS TRẦN PHÚC NHÂN. Sổ rửa tội và sổ hôn phối cũng bắt đầu có từ lúc này. Chữ ký của Cha trong sổ rửa tội và sổ hôn phối là bằng chứng cụ thể cho điều này. Cha đã chịu thương, chịu khó, chia ngọt sẻ bùi với giáo dân ở đây suốt một thời gian dài 50 năm, gắn bó với họ đạo cho đến cuối đời. Ngài mất năm 1935 yên nghỉ tại đất thánh Tân Thành. Mộ ngài được chỉnh trang lại vào năm 2002.


Trong suốt thời gian Ngài trông coi họ đạo. Các Cha Mặc Bắc vẫn thường xuyên lui tới giúp đỡ tinh thần lẫn vật chất. Vào năm 1905, số giáo dân đã gia tăng rất nhanh. Cha Sở Mặc Bắc là CHA FELIX FRISON (CHA HOÀNG) tận tình cho CHA PHÓ LÀ CHA FRANCOIS DU MARCP (CHA TRÍ) sang giúp Cha già Nhân xây dựng nhà thờ kiên cố, xây gạch, lợp ngói. Đó là ngôi nhà thờ đầu tiên và cũng là nhà thờ mà chúng ta thừa hưởng cho đến ngày hôm nay. Nhà thờ do kiến trúc sư người Pháp vẻ kiểu theo lối kiến trúc Âu Châu thời đó. Cha già Nhân và Cha Trí đã trông coi và đốc thúc việc xây dựng. Vì thiếu nhân lực lẫn thực lực, phải nhờ đến sự góp công, góp sức, tiền của của Các Cha và giáo dân trong hạt, nhất là Cha Sở Hoàng. Chính vì thế, mãi đến năm 1912 MỚI được hoàn THÀNH và lấy tên chính thức là HỌ ĐẠO TÂN THÀNH cho đến ngày nay.


Cũng xin nói thêm là trước lúc Cha già Nhân nghỉ hưu thì Cha cũng xây xong nhà Cha Sở rộng rải khang trang được hoàn thành vào năm 1926. Mặt tiền có phù điêu chim phượng hoàng xải cánh với dòng chữ : PRESBYTERRIUM TÂN THÀNH rất đẹp. Về sau các Cha tới thì đã có sẵn nhà thờ, nhà xứ thuận lợi để thi hành bổn phận.


2. CHA PHAOLÔ LÊ HIỂN QUANG : TỪ NĂM 1928 - 1936


Đến năm 1928, Cha già Nhân đã già yếu nên bề trên đã cho CHA PHAOLÔ LÊ HIỂN QUANG về phụ trách họ đạo. Cha già Nhân cũng ở nghỉ hưu dưỡng tại họ đạo cho đến khi về với Chúa.
Ngày ký sổ đầu tiên của CHA PHAOLÔ QUANG là ngày 28 tháng 3 năm 1928. Cha Phaolô đã phụ trách họ đạo trong 8 năm. Trong tám năm đó, họ đạo phát triển về mọi phương diện. Giáo dân đông đúc hơn, đức tin vững vàng hơn, nhà thờ cũng được sắm sửa khang trang hơn.


3. CHA GIUSE ĐẶNG PHƯỚC HAI : TỪ NĂM 1936 - 1938


Năm 1936 CHA GIUSE ĐẶNG PHƯỚC HAI từ Mặc Bắc sang thay thế cho CHA PHAOLÔ QUANG.


4. CHA GIOAN ĐỖ HOÀN SINH : TỪ NĂM 1938 - 1952


Đến ngày 08 tháng 01 năm 1938 Toà Thánh ban sắc chia tách các Tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre và một phần đất tả ngạn sông Hậu (Sađéc) để thành lập giáo phận Vĩnh Long và cử CHA PHÊRÔ NGÔ ĐÌNH THỤC từ Huế vào làm GIÁM MỤC ĐẦU TIÊN CỦA GIÁO PHẬN. Cũng trong năm này, năm 1938 linh mục đầu tiên của giáo phận Vĩnh Long là CHA GIOAN ĐỖ HOÀN SINH đến nhận chính thức chánh sở HỌ ĐẠO TÂN THÀNH. Cha Gioan ở họ đạo trong thời gian khoảng 14 năm.


Trong 14 năm phụ trách họ đạo đã xảy ra hai sự kiện quan trọng cũng nên nhắc tới. Sự kiện thứ nhất là THẾ GIỚI ĐẠI CHIẾN LẦN THỨ HAI (1939- 1945). Chiến tranh làm nhân loại lâm vào cảnh khốn đốn. Họ đạo cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Bà con giáo dân ở đây cũng như ở các nơi khác lâm vào hoàn cảnh cực kỳ túng thiếu. Dù vậy dưới sự dìu dắt của Cha Sở bà con giáo dân vẫn giữ vũng được niềm tin của mình mà không hề bị dao động.


Sự kiện thứ hai là CHA SỞ GIOAN SINH đã được diễm phúc một lần sang thăm viếng toà thánh VATICAN, thủ đô của HỘI THÁNH CÔNG GIÁO TOÀN CẦU. Thời gian Cha đi vắng khỏi họ đạo khá lâu nên trong lúc đó có Cha ở gần sang giúp họ đạo thế cho Cha. Trong số đó có các cha như CHA GIÀ TUYỄN (bà con quen gọi là CHA BỀ CẠNH), CHA TÝ, CHA ĐINH TÀI TƯỚNG, CHA ĐOÁN, CHA THANH, CHA LA POINTE, CHA SIL VETTRE vv … Các ngài còn lưu lại nhiều chữ ký trong sổ rữa tội, sổ hôn phối của họ đạo.


5. PHAOLÔ NGUYỄN TRUNG DIÊN : TỪ NĂM 1952 - 1965


Đến năm 1952 ĐỨC CHA gọi CHA GIOAN về làm CHA SỞ TRÀ VINH và giao cho Cha PHAOLÔ NGUYỄN TRUNG DIÊN phụ trách họ đạo Tân Thành.


Cha PHAOLÔ DIÊN phụ trách họ đạo từ năm 1952 đến năm 1965. trong thời kỳ này kháng chiến xãy ra khắp nơi. Họ đạo cũng đã ít nhiều bị ảnh hưởng, bà con giáo dân ly tán khắp nơi để sinh sống.


6. CHA PHÊRÔ NGUYỄN VĂN TRIỆU : TỪ NĂM 1965 - 1986



Đến năm 1965, Đức Cha ANTÔN NGUYỄN VĂN THIỆN đã cử CHA PHÊRÔ NGUYỄN VĂN TRIỆU về thế CHA PHAOLÔ DIÊN.


Từ năm 1952 tức là từ thời CHA PHAOLÔ DIÊN, thì Cha Sở Tân Thành phụ trách luôn họ đạo RẠCH VỒN (ĐỊNH BÌNH). Nên khi CHA PHÊRÔ TRIỆU về thì Ngài cũng kiêm nhiệm họ đạo RẠCH VỒN. (trước đó RẠCH VỒN thuộc họ MẶC BẮC).


Trong thời CHA PHÊRÔ TRIỆU làm chánh sở thì theo sổ sách lúc bấy giờ nhà chung họ đạo Tân Thành, đã có trên 1000 công ruộng và 1200 công vườn để cho bà con canh tác. Mỗi năm đóng góp lại cho nhà chung một ít để lo chi phí cho họ đạo. Đến năm 1975 thì coi như hoàn toàn giao quyền sử dụng cho bà con mà không phải đóng góp nữa.


Họ đạo muốn phát triển thì không thể không có ban qưới chức để cộng tác với Cha Sở trong việc phục vụ họ đạo. Vì thế ngay từ khi có linh mục đến họ đạo thì cũng có qưới chức để điều hành việc chung. Từ thời Cha già PHANXICÔ NHÂN thì có trùm THẢO một trong những người đầu tiên đến định cư ở đây. Mãn đời ông trùm THẢO thì lại có ông trùm CHIÊU, rồi trùm NGÀ. Đến thời CHA GIOAN SINH thì có ông trùm TỐT. Sau thời trùm TỐT thì chỉ có các ông câu lo việc điều động ban qưới chức như ông CÂU SÁNG, CÂU HOÀNG, CÂU LÊ, CÂU CHIỂU, CÂU TRÊN… Sau hơn 40 năm vắng khuyết chức danh ông trùm thì họ đạo và ban qưới chức mới bầu chọn lai chức danh nầy. Kết quả nhân ngày CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA của họ đạo năm 1992. Họ đạo và ban qưới chức (cũng vừa mới được bầu lại) đã tín nhiệm chọn ông PHAOLÔ LÊ VĂN TRÊN là cháu gọi ông trùm THẢO bằng ông cố… chính thức đảm nhiệm chức vụ ông trùm họ cho đến nay là ba nhiệm kì liên tục …


7. CHA LOUIS NGUYỄN VĂN KỈNH : TỪ NĂM 1987 – ĐẾN NAY



Vào năm 1986 Cha PHÊRÔ TRIỆU được Chúa gọi về với Chúa nên ĐỨC CHA GIACÔBÊ chính thức giao cho Cha LOUIS NGUYỄN VĂN KỈNH phụ trách họ đạo. Thư bổ nhiệm của ĐỨC CHA GIACÔBÊ đề ngày 21 tháng 8 năm 1988 sau hơn một năm tạm thời coi sóc họ đạo.
Nhà thờ đến lúc này cũng đã trải qua một thời gian khá dài trong lúc chiến tranh nên không tránh khỏi những hư hao thiệt hại, nên đến ngày 10 tháng 8 năm 1987, họ đạo bắt đầu công việc trùng tu sửa chữa.


Trước tiên là nới rộng nhà thờ ra mỗi bên hai thước, sau đó sơn phết lại.
Đến năm 1996 xây dựng lại toàn bộ mặt tiền. Công việc kéo dài mất tám tháng. Bà con nhiệt tình kẻ góp công người góp của tiếp nối công việc cha ông làm cho Thánh Đườøng ngày càng tốt đẹp hơn.


Sau hơn một năm, tức là vào năm 1998 bà con lại xúm xít cùng nhau xây dựng lầu chuông và đem chuông lên, sau mấy chục năm tạm thời ở dưới thấp.


Đến năm 2000 thì lúc này nhà Cha Sở cũng đã xuống cấp trầm trọng. Ban qưới chức quyết định phải kiên cố lại, nên đã cùng nhau tháo bỏ toàn bộ mái ngói để gia cố lại phần mái nhà. Phần nền bị lún sâu cũng được làm lại toàn bộ. Nhờ đó mà nhà Cha Sở được xây dựng từ năm 1926 nay đã có thể tiếp tục được sử dụng an toàn.



Năm 2006 lại tiếp tục công việc sửa chữa. Lần này là làm mới nhà Các Dì, nguyên ngày xưa là nhà dạy đã hư nát. Nhờ đó mà Các Dì có chổ ở mới khang trang hơn dùng để ở, để dạy giáo lý, để tập hát khá thuận tiện.


Năm 2007 xây lại cổng và hàng rào mặt trước nhà thờ tươm tất hơn, làm hàng rào Đất Thánh để ổn định nơi an nghỉ cho người quá cố.


Tất cả là hồng ân Chúa ban. Chúng ta nhìn lại quá trình xây dựng họ đạo để cùng nhau TẠ ƠN THIÊN CHÚA vì những ơn lành mà THIÊN CHÚA đã ban cho chúng ta.




Tân Thành ngày 05 tháng 9 năm 2007.
LINH MỤC PHỤ TRÁCH
LOUIS NGUYỄN VĂN KỈNH







JAC. NGUYỄN THANH BÌNH GHI LẠI VÀ ĐĂNG BLOG

Không có nhận xét nào: